Nhiều người chi 40.000 – 70.000 đồng mỗi lần uống trà sữa, cà phê

Khảo sát của iPOS cho thấy, nhiều người ở TP HCM và Hà Nội sẵn sàng chi 40.000 – 70.000 đồng để mua đồ uống, cao hơn cả số tiền dành cho ba bữa ăn chính.

Kết quả trên được rút ra từ khảo sát của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho hơn 100.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê, thực hiện trên 3.490 người tiêu dùng chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.

58% người tham gia khảo sát sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu trong khoản 41.000-70.000 đồng. Mức này tương đương giá đồ uống ở các thương hiệu tầm trung như Phúc Long, Highlands Coffee, The Coffee House… Khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 70.000 đồng, tương đương giá đồ uống ở thương hiệu cao cấp như Starbucks, Runam Bistro…

Theo ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS, mức chi tiêu này phù hợp với thu nhập bình quân ở Hà Nội, TP HCM và một số đô thị loại 1. Nếu trung bình một người mua thức uống bên ngoài 3 lần mỗi tuần, ngân sách cho việc này vào khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Con số này tương đối phù hợp với người có thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng.

Khảo sát trên cũng chỉ ra, mức chi 41.000-70.000 đồng một lần dùng đồ uống phổ biến với người có thu nhập từ 5 triệu đồng một tháng trở lên. Đặc biệt nhóm thu nhập trên 20 triệu đồng một tháng có đến 26% sẵn sàng chi hơn 70.000 đồng. Đối với những người có thu nhập dưới 5 triệu đồng một tháng, mức chi cho mỗi lần cà phê hay trà sữa phổ biến giảm còn 20.000 – 40.000 đồng.

Xét theo giới tính, mức chi tiêu 41.000-70.000 đồng một lần mua cà phê, trà sữa chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với nữ giới (48%). Con số này có xu hướng giảm đi đối với nam giới khi đây chỉ là mức chi tiêu phổ biến đứng thứ nhì với tỷ lệ 35%. Nam giới chuộng chi 20.000-40.000 đồng cho một lần mua đồ uống.

Mức chi tiêu phổ biến cho cà phê, trà sữa cao hơn cả số tiền phổ biến dùng cho ba bữa ăn chính trong ngày. Theo khảo sát, người Việt chuộng bỏ 10.000-30.000 đồng cho bữa sáng, 31.000-50.000 đồng cho bữa trưa và bữa tối. Lý giải về điều này, đại diện iPOS cho rằng các bữa chính phổ thông hàng ngày vẫn thường là cơm, phở bình dân hoặc hàng quán vỉa hè, dẫn đến số tiền trung bình chi ra thấp hơn. Trong khi đó, thói quen của nhiều người khi uống cà phê hoặc trà sữa là lựa chọn các cửa hàng, thương hiệu có danh tiếng với mức giá thường gặp khoảng 40.000-70.000 đồng.

Dẫu chi tiêu chỉ vài chục nghìn đồng cho việc ăn uống mỗi ngày, người Việt vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn gấp nhiều lần cho dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ tết, ngày kỷ niệm… Khảo sát chỉ ra, chi tiêu trung bình cho mỗi lần ăn uống đặc biệt phổ biến trong mức 101.000-300.000 đồng một lần, với tỷ lệ 53%. Theo sau là mức chi tiêu 301.000-500.000 đồng, chiếm 22% câu trả lời.

Ông Vũ Thanh Hùng nói, các dịp đặc biệt luôn là trọng tâm để các hàng quán thực hiện chiến dịch marketing như Valentine, ngày 8/3, Giáng sinh. Tuy nhiên ông lưu ý rằng việc lựa chọn quán cho các dịp đặc biệt thường được dựa trên trải nghiệm của thực khách trước đó hoặc tham khảo các bình luận, bài đánh giá. Vậy nên hàng quán vẫn cần duy trì chất lượng dịch vụ ổn định, sau đó, khi có sự kiện sẽ đẩy các chiến dịch truyền thông sáng tạo thu hút khách hàng. Ngoài ra, mỗi đơn vị phải có dữ liệu khách hàng thân thiết, khi có chương trình mới sẽ dễ dàng tiếp cận trực tiếp đến họ.

Khảo sát của iPOS cũng chỉ ra nhiều điểm tích cực của ngành dịch vụ ăn uống trong năm 2022. Đơn vị này dẫn số liệu Euromonitor tính đến hết năm rồi, Việt Nam có khoảng 338.600 cửa hàng F&B. Số lượng cửa hàng có xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%. Quy mô doanh thu ngành này đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021.

Tuy nhiên trong quý IV/2022, ngành F&B chứng kiến sự chững lại so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này được giải thích vì sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế và dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023. Theo iPOS, năm nay, các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ trở nên thận trọng, nhường sân chơi cho các thương hiệu lớn. Bằng nguồn vốn tích lũy, nhiều thương hiệu đang tăng tốc chiếm thị phần như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House… Thế nhưng tính cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới như Phê La, Katinat… hứa hẹn một năm nhiều biến số.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *